Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Long phát biểu tại Lễ ký kết
Đây là lần thứ 9 Trường Đại học GTVT và 6 trường đại học khối kỹ thuật của Việt Nam (nhóm G7) cùng nhau ký kết ghi nhớ hợp tác.
Một số nội dung chính trong khuôn khổ hợp tác lần này bao gồm:
1. Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ lĩnh vực công nghệ cao;
2. Tăng cường phối hợp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ lĩnh vực công nghệ cao trọng tâm trong các ngành KH, CN mũi nhọn như CNTT, Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động hóa, Công nghệ chế tạo, Điều khiển tự động hóa và các ngành/lĩnh vực phục vụ tăng trưởng xanh;
3. Tổ chức trao đổi, xây dựng cơ chế chung trong phối hợp đào tạo về lĩnh vực vật liệu mới, vật liệu bán dẫn, vi điện tử, thiết kế vi mạch, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao;
4. Xây dựng mạng lưới hạ tầng chuyển đổi số cho phép trao đổi tài nguyên số giữa các Trường như thông tin, thư viện, học liệu số …;
5. Chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị đại học, chiến lược quản trị hướng tới tự chủ đại học, đại học thông minh, đại học số;
6. Tăng cường phối hợp nghiên cứu và triển khai áp dụng mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt nam nói chung và với điều kiện của từng trường đại học nói riêng.
NGND.GS.TS. Nguyễn Ngọc Long thay mặt Trường ĐHGTVT ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 7 Trường Đại học kỹ thuật
Lễ ký kết là cơ sở để 7 trường đại học phối hợp triển khai hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện nay, nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các giảng viên của nhóm G7 trong việc tiên phong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ cao phục vụ đất nước trong giai đoạn mới.
Đoàn công tác Trường Đại học GTVT tham dự Lễ ký kết
Trước đó, chiều ngày 4/10/2024, UBND tỉnh Nghệ An và nhóm 07 Trường đã tổ chức Ký kết ghi nhớ hợp tác.
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo 07 trường Đại học kỹ thuật. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: GD&ĐT, LĐTB&XH, KH&ĐT, NN&PTNT, KH&CN, TT&TT.
Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Long phát biểu tại UBND tỉnh Nghệ An
Nghệ An là tỉnh có địa hình đa dạng, phức tạp. Hàng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều thiên tai khắc nghiệt, có nhiều đợt rét đậm, rét hại, nắng nóng thường xuyên xảy ra; mùa mưa bão có 2 đến 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp; có 5- 6 đợt lũ; có khoảng 15-20 đợt lũ, sét, mưa đá; lượng mưa năm bình quân lớn từ 1.800 đến 2.000mm; có nhiều đợt mưa làm ngập lụt do bão, cao áp lãnh gây ra.
Tại biên bản ghi nhớ hợp tác, tỉnh và nhóm các trường đại học đã thống nhất mục tiêu hợp tác nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Tỉnh chia sẻ các thông tin liên quan tới tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh; cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực đào tạo của các trường trong nhóm. Hỗ trợ nhóm 07 Trường trong việc triển khai các hoạt động hợp tác chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; bố trí cán bộ tham gia xây dựng và phối hợp thực hiện các chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng chính sách phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn kinh phí phù hợp để phối hợp thực hiện.
Nhóm 07 Trường Đại học kỹ thuật tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực như các khóa ngắn hạn, văn bằng hai, sau đại học, hội nghị, hội thảo về những công nghệ mới trong các lĩnh vực kỹ thuật là thế mạnh của các trường; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tỉnh có nhu cầu, đặc biệt trọng tâm trong các ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điều khiển tự động hóa, công nghệ chế tạo và các ngành/lĩnh vực phục vụ tăng trưởng xanh. Đề xuất đặt hàng các đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học công nghệ và các dự án tiềm năng giúp tỉnh giải quyết những vấn đề lớn, cũng như những thách thức đang đặt ra từ thực tiễn. Thành lập các nhóm chuyên gia liên trường, liên ngành, liên lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đề xuất và tổ chức, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và chuyển giao công nghệ mang tính chiến lược cấp Bộ, cấp Nhà nước, cấp tỉnh nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời hỗ trợ triển khai và thương mại hóa kết quả nghiên cứu hình thành từ ngân sách nhà nước trên địa bàn của tỉnh; hỗ trợ xúc tiến đầu tư - hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các dự án quy hoạch, triển khai hoạt động tư vấn trong thi công, cải tạo, nâng cấp phục vụ cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật hướng tới thành phố thông minh, thành phố xanh…